Di sản William_Wilberforce

Năm năm sau khi William Wilberforce từ trần, hai con trai của ông, Robert và Samuel, xuất bản một bộ tiểu sử năm quyển về cuộc đời cha họ, tiếp đó trong năm 1840 họ cho phổ biến bộ sưu tập thư tín của ông. Cuốn tiểu sử đã gây ra tranh cãi vì các tác giả chỉ chuyên chú vào vai trò của Wilberforce trong phong trào bãi nô mà không mấy quan tâm đến các đóng góp quan trọng của Thomas Clarkson. Dù đang nghỉ hưu, Clarson đã viết một cuốn sách bác bỏ những ghi nhận của họ về các sự kiện. Cuối cùng, các con trai của Wilberforce đã đồng ý xin lỗi và gỡ bỏ những đoạn không thích hợp.[184][185][186] Tuy nhiên, vai trò của Wilberforce trong phong trào bãi nô luôn được đề cao trong những trang sách lịch sử. Điều này kéo dài hơn một thế kỷ cho đến khi giới sử gia nhận thấy mối quan hệ mật thiết giữa Clarkson và Wilberforce, tình bạn của hai người là nhân tố quan trọng giúp họ hoạt động hiệu quả và kiên định trong cuộc đấu tranh cho quyền lợi của các nô lệ. Các sử gia gọi đó là một trong những tình bằng hữu vĩ đại nhất trong lịch sử: nếu không có vai trò lãnh đạo của Wilberforce ở Quốc hội, và nếu không có những khảo cứu công phu và các cuộc vận động công luận của Clarkson thì phong trào bãi nô khó có thể đạt được những thành tựu như đã có.[187][188][189]

Wilberforce được an táng cạnh Pitt trong Tu viện Westminster. Bức tượng này dựng năm 1840 tại cánh bắc của giáo đường.

Đúng như ước nguyện của các con trai ông, Wilberforce được nhìn nhận như là một anh hùng Cơ Đốc, một vị thánh trong chính trường, và là một hình mẫu cho nỗ lực ứng dụng đức tin vào cuộc sống.[7][190][191] Ông còn được miêu tả là một nhà cải cách trong lĩnh vực hoạt động từ thiện do những đóng góp quan trọng của ông cho nỗ lực tái định hình thái độ chính trịxã hội của thời đại ông bằng cách quảng bá các khái niệm về trách nhiệm và hành động xã hội.[131] Tuy nhiên, đến thập niên 1940 sử gia Eric Williams cố làm suy giảm vai trò của Wilberforce và Nhóm Clapham trong phong trào bãi nô, ông lập luận rằng không phải lòng nhân ái mà là các yếu tố kinh tế mới là động lực thúc đẩy phong trào, khi ấy công nghiệp mía đường ở Tây Ấn đang trong lúc suy thoái.[44][192] Phương pháp tiếp cận của Eric Williams đã có ảnh hưởng sâu đậm trong hạ bán thế kỷ 20. Tuy nhiên, những phát hiện mới đây của các sử gia cho thấy công nghiệp mía đường vẫn mang về nhiều lợi nhuận vào thời ấy đã làm sống lại sự quan tâm dành cho Wilberforce và những người Tin Lành, cũng như sự thừa nhận rằng phong trào bãi nô chính là hình mẫu cho các chương trình nhân đạo sau này.[44][193]

Wilberforce cũng là thành viên sáng lập Hội Truyền giáo Hội thánh (Church Missionary Society) cũng như Hiệp hội Hoàng gia Ngăn ngừa Hành hạ Thú vật.

Trong số các con của ông có Robert Issac Wilberforce, Samuel Wilberforce (Giám mục Anh giáo) và Henry William Wilberforce.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: William_Wilberforce http://books.google.ca/books?id= http://books.google.ca/books?id=F-KIAOQxKigC&pg=PA... http://books.google.ca/books?id=VMF_-aVJSE4C&pg=PA... http://books.google.ca/books?id=ZyIwMHacJO0C&pg=PA... http://books.google.ca/books?id=iFcxAAAAIAAJ&pg=PT... http://books.google.ca/books?id=mqbGYGOizhEC&pg=PT... http://books.google.ca/books?id=n0lI5c9trSAC&print... http://www.brycchancarey.com/abolition/wilberforce... http://books.google.com/books?id=7A7k2tfu32YC&pg=P... http://books.google.com/books?id=G6UNAAAAQAAJ&prin...